Làm thế nào để đặt ra và lên kế hoạch hiệu quả cho mọi mục tiêu mà bạn muốn theo đuổi – đặc biệt nếu bạn là một người trẻ đang đi học hoặc đi làm toàn thời gian, nhưng đồng thời lại ôm ấp hàng tá đam mê như học ngoại ngữ, viết blog hay làm vlog, giữ dáng, đọc sách, đi du lịch, học kỹ năng mới và không ngừng mở rộng list sở thích cá nhân…
Mình từng trải qua:
– Giai đoạn siêu phấn khích đặt ra một loạt mục tiêu (đôi khi khá “hoang đường” và đầy mơ mộng),
– Cảm giác bối rối khi bị giằng co giữa “Mình muốn làm hết tất cả” và “Mình chẳng biết nên bắt đầu từ đâu, như thế nào”,
– Hào hứng lập bảng vision board, rồi habit tracker,
– Rồi cả những trì hoãn hoàn toàn, hoặc bắt đầu nhưng không duy trì đều đặn đủ lâu để thấy thành quả.
Mình thích đọc, tìm hiểu và thử nghiệm xoay quanh chủ đề này. Qua nhiều năm tự mày mò, thử và sai đủ kiểu từ công cụ số (digital) đến phương pháp ghi tay (analog), mình đã rút ra được nhiều bài học giá trị.
Giờ thì mình hiểu: việc đặt mục tiêu cho người có nhiều đam mê không chỉ là câu chuyện quản lý thời gian hay nâng cao hiệu suất.
Nó còn là câu chuyện về sự hiểu rõ bản thân (clarity), sự tỉnh thức (mindfulness), và trên hết là có chủ đích (intention).
Mình đã xây dựng cho bản thân một “hệ sinh thái” gồm những công cụ và thói quen – giúp mình tiến bước bền vững trên nhiều mục tiêu một cách đồng thời mà không bị kiệt sức.
Bài viết hôm nay là phần đúc kết gọn gàng toàn bộ những gì mình đã học và ứng dụng thành công cho bản thân.
Đọc đến cuối bài, bạn sẽ nắm được framework 5 bước mình dùng để đặt và lên kế hoạch mục tiêu – kết hợp linh hoạt các công cụ như Level 10 Life, khái niệm Lag vs. Lead Goals, phương pháp Bullet Journal và nhiều hơn nữa.
🌟 Và điều tuyệt nhất: mình đã gói gọn tất cả trong một e-book miễn phí kèm bài tập thực hành – để bạn có thể bắt tay ngay vào việc xây dựng hệ thống mục tiêu cho riêng mình, và từng bước theo dõi & chinh phục chúng.
Câu chuyện muôn thuở: Muốn làm tất cả, nhưng không thể làm tất cả cùng lúc
Thú thật – là một người “đa đam mê” vừa là một món quà, vừa là một thử thách.
Một mặt, bạn luôn tò mò, sáng tạo và đầy năng lượng.
Mặt khác, bạn dễ cảm thấy rối, dễ bị phân tán khi cứ “3 đầu 6 tay”, hoặc thậm chí đến một lúc bị “stuck”, kẹt giữa “ngàn mối tơ vò”.
Lấy mình làm ví dụ nhé: Đã có thời gian mình cảm thấy như đang chạy về 10 hướng cùng lúc: vừa học tiếng Đức, chuẩn bị ôn thi, vừa đi làm full-time và content part-time, cố gắng giảm cân trước mùa hè, cũng cố gắng đọc hết mớ sách còn chất đống.
Nói thật thì… cảm giác đúng như tên bộ phim “Everything. Everywhere. All At Once” (một bộ phim xuất sắc đáng xem)
Có nhiều sở thích là một dạng may mắn (vì bạn sẽ hiếm khi thấy buồn chán), nhưng nếu không có “hệ thống”, bạn rất dễ bị “lạc trôi”:
- Bắt đầu nhiều, nhưng kết thúc thì chẳng mấy khi.
- Luôn cảm thấy tội lỗi vì “bỏ bê” một vài sở thích hoặc trách nhiệm khác.
- (trường hợp tệ nhất) Bị kiệt sức vì cố gắng ôm đồm quá nhiều thứ cùng lúc.
Điều đã giúp mình thay đổi hoàn toàn là học cách chuyển từ việc cố gắng xoay sở tất cả cùng lúc → sang tập trung vào một vài điều với chủ đích trong từng giai đoạn một.
Và để làm được điều đó, chúng ta cần một khung tư duy rõ ràng để đặt mục tiêu và lên kế hoạch – giúp ta tiến về phía trước một cách vững vàng, từng bước một, mà vẫn giữ được sự tập trung và chính mình trong hành trình ấy.
👉 Cùng khám phá framework này ở phần tiếp theo nhé.
Phương Pháp 5 Bước để Lên Mục Tiêu và Kế Hoạch Hiệu Quả
Mình chắt lọc ra phương pháp gồm 5 bước này để bao quát cả hai mặt của chiếc “đồng xu” mang tên “biến mục tiêu thành hiện thực” – một mặt là đặt mục tiêu (goal setting), mặt còn lại là lên kế hoạch cụ thể (goal planning).

Goal setting là về CÁI GÌ: chọn mục tiêu nào để theo đuổi và lý do vì sao.
Goal planning là về LÀM SAO: làm sao để chia nhỏ mục tiêu thành những bước hành động cụ thể và đo lường được, và làm vào khi nào.
Một điều cực kỳ quan trọng mình luôn nhấn mạnh: Chỉ đặt mục tiêu thôi là chưa đủ để đảm bảo bạn sẽ đạt được nó — kể cả khi mục tiêu đó có rõ ràng, chiến lược và đầy cảm hứng cỡ nào.
Ngược lại, nếu bạn chỉ có một danh sách các việc phải làm mà không có mục tiêu rõ ràng, thì rất dễ biến mình thành một cái máy “làm cho xong”, rồi đến cuối lại hoang mang tự hỏi “mình đã làm đúng cái cần làm?”.
Phương châm của mình: phải có đủ cả CÁI GÌ – KHI NÀO – LÀM SAO. Thiếu một cũng không được. (Bạn sẽ thấy triết lý này lặp đi lặp lại ở mọi bài blog của mình luôn đó!)
Framework này có 5 bước: 2 bước đầu tiên là về ĐẶT MỤC TIÊU – GOAL SETTING, 2 bước tiếp theo là về LÊN KẾ HOẠCH – GOAL PLANNING, và bước cuối cùng là “bonus” để tổng kết, điều chỉnh và duy trì.
Giờ thì mình sẽ cùng bạn đi sâu vào từng bước nhé!
Bước 1: Tự nhìn lại & Tìm ra động lực thúc đẩy với phương pháp “Level 10 Life”
Bước đầu tiên khi muốn đặt ra mục tiêu thực sự có ý nghĩa và đúng hướng, là phải biết rõ bản thân mình đang ở đâu.
Hãy tự hỏi: Khía cạnh nào trong cuộc sống của mình đang thật sự cần được quan tâm hơn?
Đây là lúc phương pháp Level 10 Life của Hal Elrod trong cuốn The Miracle Morning phát huy tác dụng. Phương pháp này hướng dẫn bạn đánh giá 10 lĩnh vực trong cuộc sống trên thang điểm từ 1 đến 10, dựa trên mức độ hài lòng hiện tại.
10 lĩnh vực đó là:
- Sức khoẻ
- Sự nghiệp & Công việc
- Tài chính
- Gia đình & Bạn bè
- Phát triển bản thân
- Giải trí & Niềm vui
- Môi trường sống
- Cống hiến & Cho đi
- Tình cảm
- Tâm linh
Bạn có thể ghi 10 mục này vào cuốn Bullet Journal (mình gợi ý đừng chỉ làm qua loa trên một tờ giấy lẻ, hãy ghi ở nơi bạn có thể giữ lại và xem lại được sau này). Sau đó, hãy đi từng mục một và chấm điểm theo cảm nhận của bạn hiện tại.
Nhớ là: Bài tập này không nhằm hướng tới đánh giá hoàn hảo, mà là để bạn hiểu rõ bản thân. Không ai nhìn bảng điểm này ngoài bạn, nên hãy đánh giá thật thành thật nhé.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tải e-book miễn phí có sẵn template thiết kế để bạn in ra và tô màu hoặc ghi chú, rất tiện để gắn vào sổ tay.
Mình còn “nâng cấp” template một chút để bạn có thể làm lại bài tập này nhiều lần, và so sánh kết quả theo từng giai đoạn (thói quen của một đứa mê data 😆). Việc nhìn thấy mình tiến gần hơn đến “Level 10” – tức mức độ hài lòng cao nhất – chính là nguồn động lực mạnh mẽ để bạn tiếp tục hành trình phát triển bản thân.
Bước 2: Đặt mục tiêu với 1–3 lĩnh vực trọng tâm, cho mỗi “mùa” dài chỉ 12 tuần
Là người có nhiều mối quan tâm, chúng mình rất dễ rơi vào “cạm bẫy” muốn cải thiện tất cả cùng lúc – và hậu quả là dễ kiệt sức.
Thay vì vậy, mình tập chia nhỏ năm ra thành các “mùa” – mỗi mùa kéo dài khoảng 12 tuần, dựa trên phương pháp 12 Week Year của Brian P. Moran và Michael Lennington.
Mình gọi là “mùa” vì nghe vừa lãng mạn lại vừa gợi nhắc rằng: 12 tuần là độ dài thời gian trung bình của một mùa trong năm, vừa đủ để tập trung hết mình và làm hết sức.
Khái niệm “năm 12 tuần” giúp mình định nghĩa lại thời gian. Trong 12 tuần, bạn sẽ thấy mình không có quá dư thời gian để lần lữa hay trì hoãn, và vì vậy bạn sẽ tập trung hơn vào những gì thực sự quan trọng ngay từ bây giờ.
Sau khi hoàn thành Bước 1 với Level 10 Life, hãy chọn tối đa 3 lĩnh vực để tập trung cải thiện trong “mùa” 12 tuần sắp tới. Hỏi bản thân 3 câu hỏi sau để xác định:
- Những lĩnh vực nào đang có điểm thấp và thật sự quan trọng với mình lúc này?
- Tại sao mình lại quan tâm đến lĩnh vực đó trong giai đoạn này?
- Với mình, “Level 10” trong lĩnh vực này trông sẽ như thế nào? (Càng cụ thể càng tốt!)
Trong e-book miễn phí, mình có chuẩn bị sẵn một mẫu template giúp bạn đi từng bước để trả lời 3 câu hỏi này, kèm cả ví dụ để bạn dễ hình dung và làm theo.
Ví dụ vắn tắt:
- Trong “mùa” 12 tuần đầu tiên, mình chọn tập trung vào Phát triển bản thân (ví dụ: cải thiện khả năng tiếng Đức) và Sự nghiệp (ví dụ: xây dựng blog mới này).
- Một mục tiêu Level 10 cho Phát triển bản thân: sử dụng tiếng Đức thành thạo trong cuộc sống cá nhân lẫn công việc.
- Trong mùa 12 tuần tiếp theo, mình chuyển sang tập trung vào Sức khoẻ và Giải trí – Niềm vui (ví dụ: đi bơi lại, leo núi, chụp hình nhiều hơn vì đang vào mùa hè).
- Một mục tiêu Level 10 cho Giải trí: đi du lịch nhiều hơn bất cứ khi nào có thể, và tập ghi lại nhiều khoảnh khắc đẹp bằng máy ảnh.
Việc chọn trọng tâm không đồng nghĩa với việc bỏ quên các lĩnh vực còn lại, mà chỉ là ưu tiên nguồn lực và sự tập trung cho những mục tiêu quan trọng trong thời điểm này.
Ví dụ, dù mình không chọn sức khoẻ là ưu tiên, mình vẫn duy trì thói quen uống đủ nước mỗi ngày.
Nhưng khi xác định một lĩnh vực là trọng tâm, thì mình sẽ đặt mục tiêu cụ thể để cải thiện lĩnh vực đó, với một dự án nào đó chẳng hạn. Ngoài ra, xác định trọng tâm sẽ giúp đặt mục tiêu thực tiễn hơn để có thể thực hiện được gói gọn trong 12 tuần (chi tiết ở bước tiếp theo!).
Nếu thử tính toán rằng mỗi mùa “12 tuần” bạn chỉ tập trung vào 2–3 lĩnh vực, thì một năm với 4 mùa như vậy, bạn hoàn toàn có thể luân phiên cải thiện gần hết 10 lĩnh vực trong Level 10 Life!
Tất nhiên, không cần phải cố gắng đi hết một vòng cả thảy 10 lĩnh vực trong một năm. Một số lĩnh vực có thể cần nhiều hơn một mùa 12 tuần để cải thiện.
Điều quan trọng nhất là biết rõ điều gì là ưu tiên ở thời điểm hiện tại. Khi đó, bạn đã có một “lý do” đủ lớn để bắt đầu, và một mục tiêu để theo đuổi.
Bước 3: Lên kế hoạch với mục tiêu kết quả & mục tiêu thói quen
Sau khi đã xác định được các lĩnh vực trọng tâm kèm theo lý do rõ ràng và một hình dung “Level 10” cũng rõ ràng, giờ là lúc bạn bắt tay vào lên kế hoạch cụ thể và tạo một Master Goal List (Danh sách Mục tiêu Tổng thể).
Ở bước này, mình áp dụng một khái niệm cực kỳ hay từ cuốn The 12 Week Year, đó là việc phân biệt giữa Lag Goals và Lead Goals:
- Lag Goals (hay mục tiêu kết quả) = kết quả bạn muốn đạt được
- Lead Goals (hay mục tiêu hành vi/thói quen) = những hành động, thói quen sẽ dẫn bạn đến kết quả đó
Bạn cũng có thể hiểu đơn giản là:
- Lag = Kết quả đầu ra (ví dụ: giảm 5kg, đăng 8 bài blog)
- Lead = Hành vi/Thói quen đầu vào (ví dụ: tập thể dục 3 lần/tuần, viết mỗi ngày 30 phút)
Mỗi mục tiêu mình đặt ra bây giờ đều có cả điểm đến và bản đồ dẫn đường.
Ví dụ cụ thể cho dễ hình dung nhé:
- Lĩnh vực trọng tâm: Phát triển bản thân – cải thiện khả năng tiếng Đức
- Mùa nào: Quý 2 – từ tháng 4 đến tháng 6 (hoặc bất kỳ giai đoạn 12 tuần nào bạn chọn)
- Lag Goal: Có thể trò chuyện 15 phút bằng tiếng Đức vào cuối giai đoạn này
- Lead Goals:
- Học từ vựng tiếng Đức 1 tiếng/ngày, 3 ngày/tuần
- Có 2 buổi luyện nói mỗi tuần (dù chỉ là trò chuyện cùng ChatGPT cũng được!)
Khi bạn xác định rõ các lead goal và theo dõi sát sao, kết quả (lag goal) gần như sẽ tự đến.
Nếu bạn là người quen với phương pháp đặt mục tiêu S.M.A.R.T, thì có thể nhận ra rằng: cách lập kế hoạch này sẽ tự động chuyển mục tiêu thành SMART:
- Cụ thể (Specific): vì bạn không chỉ xác định cái gì cần đạt, mà còn xác định làm thế nào, khi nào, bao nhiêu lần
- Đo lường được (Measurable): vì lead goal có thể theo dõi theo ngày, tuần, tháng và lag goal có thể đánh giá vào cuối kỳ
- Khả thi (Achievable): vì bạn đã chia nhỏ mục tiêu thành từng bước hành động cụ thể trong khung thời gian 12 tuần thực tế
- Liên quan (Relevant): vì bạn đã đi qua Bước 1 và 2 để xác định rõ “tại sao” và “mình thật sự muốn gì”, và những mục tiêu xác định ở Bước 3 gắn liền với hai bước trước đó
- Có thời hạn (Time-bound): vì bạn đã áp dụng chu kỳ 12 tuần để tạo “deadline” tăng sự tập trung
Trong e-book miễn phí của mình, bạn sẽ tìm thấy một template mẫu Master Goal List, giúp bạn brainstorm và phát triển danh sách mục tiêu kết quả lẫn mục tiêu thói quen, theo từng lĩnh vực trọng tâm đã xác định.
Bạn có thể in ra và dán lên nơi dễ nhìn để nhắc mình mỗi ngày, hoặc dùng mẫu này làm cảm hứng để thiết kế phiên bản riêng cho bạn.
Bước 4: Sử dụng hệ thống lập kế hoạch & theo dõi phù hợp với bạn
Mục tiêu của bạn sẽ chỉ tốt bằng chính hệ thống bạn dùng để hỗ trợ nó.
Như James Clear – tác giả cuốn Atomic Habits – đã viết: “You do not rise to the level of your goals. You fall to the level of your systems”.
Chính từ cảm hứng của cuốn Atomic Habits, mình bắt đầu xây dựng hệ thống mục tiêu dựa trên thói quen hàng ngày. Gần như tất cả mọi thứ mình làm mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng đều là những thói quen, được chuyển hoá từ mục tiêu lớn hơn.
Chỉ cần bạn hoàn thành các lead goal (mục tiêu hành vi), bạn gần như có thể tin rằng mình sẽ đạt được lag goal (mục tiêu kết quả). Thậm chí, các tác giả của The 12 Week Year còn đưa ra con số: nếu hoàn thành 85% lead goal, bạn có khả năng đạt lag goal rất cao.
Một hệ thống hỗ trợ lead goal tốt sẽ giúp việc lập kế hoạch hàng ngày và theo dõi thói quen trở nên rõ ràng, đơn giản và lâu bền hơn.
Nếu bạn mới bắt đầu, mình khuyên là bạn hãy giữ mọi thứ siêu đơn giản, gọn nhẹ.
Những công cụ digital như Notion thì powerful thật đấy, nhưng nó quá powerful lẫn phức tạp với một nhu cầu đơn giản và cần ngay, như việc ghi chú hiệu năng và theo dõi thói quen cá nhân mỗi ngày.
Mình chính là một ví dụ của người từng dùng Notion làm personal planner trong 1,5 năm và cuối cùng quyết định quay lại với phương pháp sổ tay truyền thống. (vì sao ư, mình sẽ chia sẻ vào một bài viết trong tương lai nhé)
Đây là những gì mình đang sử dụng và khuyến khích bạn thử để giữ mọi thứ thật tinh gọn, vừa dễ thực hiện lại vừa có hiệu quả:
- Mẫu framework 5 bước mình chia sẻ (subscribe và tải miễn phí)
- Một cuốn sổ tay Bullet Journal để lập kế hoạch hàng ngày – hàng tuần – hàng tháng và theo dõi thói quen đơn giản
- Viết kế hoạch và tổng kết hàng tháng (blog post mới sẽ ra mắt sớm)
- Viết kế hoạch và tổng kết hàng tuần: (blog post mới cũng sắp lên nhé)
- Viết nhật ký & lên kế hoạch hàng ngày: bạn có thể đọc thêm bài chia sẻ của mình về cách sử dụng Bullet Journal để tăng focus và mindfulness mỗi ngày
- App Calendar trên điện thoại để time block
- App Streaks để tự động hoá và đơn giản hoá việc theo dõi thói quen
Khi tải template framework 5 bước, bạn cũng sẽ trở thành một thành viện của MyA5Letter email list và nhận cập nhất nhanh nhất khi mình lên post cũng như chia sẽ templates mới.
Bước 5: Thường xuyên tổng kết và điều chỉnh
Đừng đợi đến cuối chu kỳ 12 tuần mới check-in. Hãy xây dựng những khoảng dừng nho nhỏ, để liên tục nhìn lại và điều chỉnh kịp thời.
Ví dụ, mỗi Chủ Nhật mình đều có thói quen review ngắn để lên kế hoạch cho tuần sau, kiểm tra lại các lead goal, và điều chỉnh nếu cần. Không hề phức tạp – chỉ là một cú “reset” mỗi tuần.
Gợi ý tần suất tổng kết mục tiêu lead & lag:
- Hàng tuần: Kiểm tra lead goals – bạn có đang làm đều không? Nếu không, tại sao?
- Hàng tháng: Nhìn lại tiến độ các lag goals – mình đang đến gần chưa?
- Cuối mỗi mùa 12 tuần: Tổng kết xem điều gì hiệu quả, điều gì không, và đâu sẽ là trọng tâm tiếp theo
Việc tổng kết định kỳ giúp bạn giữ cho hệ thống luôn linh hoạt, thay đổi theo cuộc sống hiện thời thực tế của bạn.
Mình sẽ chia sẻ chi tiết hơn các thói quen này trong các blog sắp tới – nhớ theo dõi newsletter của mình nha!
Tips bổ sung dành riêng cho hội “đa đam mê” tụi mình
Đối với những tâm hồn nhiều đam mê (và có khi hơi… tham vọng nữa chứ?), ranh giới giữa thành công viên mãn và kiệt sức thất vọng có thể rất mong manh.
Mình thật sự hy vọng framework 5 bước này sẽ giúp bạn trở thành một câu chuyện thành công đầy cảm hứng. Ngoài ra, mình cũng muốn chia sẻ vài tips nhỏ mình luôn nhắc bản thân để bảo vệ sức khỏe tinh thần, và tận hưởng cả cuộc hành trình, chứ khỏng chỉ đến đích:
- Tạo danh sách “Một ngày nào đó (Someday List)” cho những ý tưởng thú vị nhưng chưa đến mùa ưu tiên
- Timeblock dành thời gian nghỉ ngơi, vì không phải cái gì phải là mục tiêu hành động mới được sắp lịch trên calendar
- Ăn mừng cả những tiến bộ nhỏ. Đừng coi nhẹ những bước đi bé tí, vì từng bước chúng sẽ dẫ dắt bạn đi hết cả chặng đường dài
- Đừng cố hoàn hảo. Hãy chọn đều đặn
- Suy nghĩ theo hướng “Infinite games”. Hãy nhớ rằng, đến cuối cùng thì cuộc đời là cả một cuộc hành trình dài, không phải cuộc đua nước rút để về đích. Hãy cho mình thời gian để trưởng thành và tận hưởng cả công cuộc trưởng thành đó.
Lời cuối cùng
Dù bạn là người có nhiều đam mê, sở thích, hay đang “vật lộn” với công việc và lắm mối bận tâm, bạn chỉ cần một framework phù hợp với cách vận hành của bộ não, năng lượng và cuộc sống của chính mình, để lên mục tiêu và kế hoạch thực hiện hiệu quả.
Bằng cách sử dụng Level 10 Life để xác định “lý do” và “tầm nhìn” cho chính bạn, chuyển sang tư duy 12 tuần để đặt mục tiêu và lên kế hoạch cụ thể, và cân bằng giữa mục tiêu kết quả (lag goals) và mục tiêu thói quen (lead goals), bạn sẽ tiến gần tới những điều mình mơ ước – mà không bị kiệt sức hay từ bỏ bất kỳ đam mê nào.
Hãy thử áp dụng trong 12 tuần tới. Cảm nhận. Điều chỉnh. Và luôn nhớ rằng:
Bạn có thể làm mọi thứ – chỉ cần làm từng thứ một.
Nào, giờ thì bạn đã SẴN SÀNG để lên mục tiêu và kế hoạch cho dream life của mình chưa? Hãy bắt tay vào thực hiện theo hướng dẫn trong e-book nhé!
Pingback: Goal Setting and Goal Planning for multi-passionate people