3 Lí Do Daily Bullet Journal Có Thể Thay Đổi Bạn (và Cách Thực Hiện)

Viết nhật ký hàng ngày với Bullet Journal, cụ thể là với hai phương pháp Rapid Logging và Daily Logging, là cách mình duy trì thói quen viết nhật ký mỗi ngày VÀ xuyên suốt cả ngày.

Hai phương pháp này đã giúp mình cực kì nhiều – từ việc kết nối sâu sắc hơn với bản thân, nâng cao sự tỉnh thức và hiệu suất làm việc, cho đến việc hỗ trợ mình trong hành trình học ngoại ngữ.

Nói không ngoa thì Bullet Journal đã thay đổi cuộc sống của mình. Và mình cũng mong bạn sẽ nhận được những lợi ích tuyệt vời đó!

Rapid Logging và Daily Logging trong Bullet Journal là gì?

Rapid Logging (tạm dịch: ghi chú nhanh) và Daily Logging (tạm dịch: ghi chú hàng ngày) là hai phương pháp được dùng để tạo Daily Log – tức là phần ghi chép nhật ký hàng ngày – trong hệ thống Bullet Journal.

Chúng được phát triển bởi Ryder Carroll, cha đẻ của Bullet Journal.

Hai kỹ thuật này cho phép bạn viết nhật ký về bất cứ điều gì, vào bất cứ thời điểm nào – để ghi lại và giải toả suy nghĩ, cảm xúc – mà không bị giới hạn bởi “viết ở đâu” hay “viết lúc nào”.

Bạn hoàn toàn có thể viết bất kỳ điều gì, bất kỳ lúc nào nó xuất hiện trong đầu:

  • Có thể là lúc lên kế hoạch cho ngày mới với một tách cà phê sáng,
  • Hoặc là một ghi chú quan trọng cho deadline sắp tới mà bạn vội vã ghi lại trong ngày,
  • Nói chung là khi nào bạn cần hoặc muốn ghi chép (mà vẫn có hệ thống nhe)

Bullet Journal giúp mình như thế nào (và có thể giúp bạn nữa)?

Trong bài viết này, mình muốn chia sẻ 3 lợi ích quan trọng nhất (trong vô số lợi ích) mà mình đã cảm nhận rõ ràng khi thực hành Rapid và Daily Logging.

Tự do giải phóng tâm trí

Rapid và Daily Logging trong Bullet Journal cho bạn không gian để ghi chép bất cứ điều gì, vào bất cứ lúc nào. Ghi nhật ký theo hai cách này giúp bạn “xả” suy nghĩ và cảm xúc, cực kì tự do về thời gian và không gian.

Bạn thử nghĩ mà xem:

  • Bao nhiêu lần bạn muốn ghi nhanh một ý tưởng, nhưng lại phân vân không biết nên viết vào cuốn sổ nào? Trang nào?
  • Có nên dùng app ghi chú để tạm thời “xả” suy tư cho mau lẹ không?

Rồi bạn cứ nghĩ mãi, cuối cùng ghi đại ra một tờ Post-It note… và rồi vài ngày sau thì quên mất tiêu.

Hay có lúc bạn muốn viết ra cảm xúc trong lòng, nhưng không biết khi nào mới rảnh để ngồi xuống viết?

“Chắc để tối nay, lúc journaling trước khi đi ngủ” – bạn tự nhủ.

Nhưng rồi… bạn ngủ gật trong lúc xem một tập phim, hoặc đến tối lại chẳng còn nhớ hay còn cảm xúc gì nữa.

Mình đã từng ở trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” đó rất nhiều lần. Và mình tin chắc hẳn, bạn cũng vậy.

Thật ra, chúng ta chỉ cần một không gian an toàn để viết ra những điều trong đầu, để giúp tâm trí được “thở” một chút.

Với mình, không gian an toàn ấy chính là những trang Daily Log trong Bullet Journal.

Mình viết nhật ký hàng ngày (và nhiều lần trong ngày) bằng cách sử dụng Rapid Logging và Daily Logging. Mỗi khi cảm thấy cần, mình viết. Thế thôi.

Sau đây là một chút hướng dẫn về Rapid Logging để bạn bắt đầu ngay nhé.

Rapid Logging là kỹ thuật ghi nhanh: ghi lại những phân mảnh trong ngày bằng cách phân loại chúng thành 3 nhóm cơ bản:

Nhóm BULLET ⚫️ dành cho TASK = những việc chúng ta phải thực hiện

  • BULLET CHECKED ⚫️✅ hoặc CROSSED ⚫️❎ = đầu việc đã được thực hiện
  • BULLET MIGRATED ⚫️▶️  hoặc ⚫️◀️ = đầu việc chưa hoàn thành cần dời vào ngày khác
  • BULLET STRIKE ⚫️ = đầu việc không cần thiết thực hiện và huỷ bỏ

Nhóm DASH ➖ dành cho NOTE = những điều ghi chú chúng ta không muốn quên

Nhóm CIRCLE ⭕️ dành cho EVENT = những sự kiện, sự việc chúng ta trải nghiệm

Hệ thống ghi chú nhanh của Bullet Journal về cốt lõi chỉ có vậy thui.

Hệ thống ghi chú này được in ngay trang đầu của sổ tay chính hãng Bullet Journal edition 2 notebook. Do đó, nó rất nhanh và tiện để bạn học ngay, xem lại nếu cần và ứng dụng lập tức.

Bullet Journal Rapid and Daily Logging System Key
Bullet Journal Rapid and Daily Logging System Key

Disclosure: This article may contain affiliate links. When you click these links, I may get a small commission. It won’t cost you anything, and it helps me to run this site. I only promote products and services that I think are great.

Ví dụ nhé, khi bạn lên kế hoạch cho một ngày mới vào sáng sớm, bạn thường chỉ dùng nhóm loại ghi chú BULLET (dấu chấm) để liệt kê các việc cần làm trong ngày.

Trong ngày, bất chợt bạn nảy ra một ý tưởng thú vị nào đó, bạn ghi lại ngay bằng loại ghi chú DASH (dấu gạch ngang) kèm vài từ khóa để nhớ. Cứ ghi luôn vào dòng cuối cùng trong phần Daily Log (Nhật ký hàng ngày) của bạn.

Đừng lo nghĩ quá nhiều về sắp xếp ghi chú lúc này nhé! Cứ để đầu óc được tự do, ghi ra mọi thứ bạn muốn hoặc cần ghi lại, và cảm nhận sự tự do, thoải mái khi có thể giải phóng đầu óc như này.

Trong một thế giới đầy tiếng ồn và xao nhãng như Internet và mạng xã hội hiện nay, việc này càng trở nên quan trọng. Cách ghi chú này giúp chúng ta bảo vệ sự tập trung và sự hiện diện trong hiện tại, mà vẫn có thể tiếp nhận thông tin một cách chọn lọc và có chủ đích.

Kết nối với sâu bên trong bản thân

Với loại ghi chú NOTE (ghi chú tâm trạng hoặc suy nghĩ), mình có thể viết về những điều mình đang suy nghĩ hoặc cảm nhận. Đúng vậy, những điều đó cũng là ghi chú quan trọng nhé — không chỉ có thông tin, số liệu, hay deadline, v.v mới là cần ghi chú thôi đâu.

Thêm vào kỹ thuật Daily Logging, là một bước tiến giúp mình kết nối sâu sắc hơn với suy nghĩ và cảm xúc của chính mình.

Daily Logging là một thói quen bổ trợ cho phương pháp Rapid Logging. Cụ thể, nó khuyến khích bạn viết vài dòng tổng kết ngay sau khi hoàn thành một nhiệm vụ hay trải qua một sự kiện.

Nhóm ghi chú này thường dùng ký hiệu EQUAL 🟰.

Bước này đóng vai trò như một khoảnh khắc chuyển tiếp giữa các việc trong ngày.

Rất hữu ích vì ba lý do sau đây:

Những điều rút ra được hoặc việc cần làm tiếp theo từ trải nghiệm vừa hoàn thành được ghi lại ngay, giúp bạn giải phóng dung lượng não (không cần tự nhớ hay tạo reminder riêng lẻ). Đồng thời, nó còn giúp bạn chuẩn bị những việc cần làm cho bước tiếp theo, khi thông tin mới nạp vẫn còn nóng hổi.

Đây cũng là một khoảng dừng cần thiết để suy ngẫm, để xem việc gì thực sự đáng làm tiếp theo — chứ không chỉ làm theo kiểu năng suất tự động như cái máy.

Nhờ kỹ thuật này, mình dần chậm lại và làm việc tỉnh thức hơn. Mình học cách nghỉ để nhìn lại ưu tiên, thay vì cứ lao vào làm việc kế tiếp như một cái máy sản xuất tự động.

Và điều tuyệt vời nhất là: mình bắt đầu viết về cảm xúc của bản thân và trân trọng những trải nghiệm mình đã có. Đôi khi, là vài dòng bài học rút ra, bước hành động tiếp theo, hoặc đơn giản chỉ là một sự ghi nhận công sức của bản thân.

How I Rapid Logging and Daily Logging in my Daily Log record
How I Rapid Logging & Daily Logging in my Daily Log record

Mình đã trải nghiệm cả ba lợi ích kể trên của việc ghi chép hàng ngày, và thật sự cảm thấy phải chia sẻ liền ih.

Chỉ với hành động tập ghi chép đơn giản này, mình dành thời gian để quan sát suy nghĩ và cảm xúc của chính mình — điều này khiến mình cảm thấy tốt hơn về bản thân và những gì mình đang làm. Đó thực sự là một lợi ích có tính chuyển hóa.

Mình ngừng xem nhẹ bản thân và thay vào đó là biết trân trọng chính mình nhiều hơn (I stop taking myself for granted and start giving myself more credit).

Ai trong chúng ta cũng cần được nhắc nhở liên tục rằng: chúng ta đang làm tốt rồi, và chúng ta là đủ. Chính từ hành động tự quan tâm & yêu thương bản thân này, mình cảm thấy được tiếp thêm động lực và sức mạnh, qua mỗi lần nhìn lại.

Kết thúc mỗi ngày, mình đã có sẵn một bản ghi chép về những gì đã xảy ra, những gì mình đã làm, cảm nhận ra sao, học được điều gì và bước tiếp theo là gì.

Nó giống như một trang nhật ký dài, nhưng được chia nhỏ thành từng mẩu insight dễ tiêu hóa — và quan trọng nhất là được ghi lại ngay trong khoảnh khắc (cái này cực kỳ quan trọng!).

Hệ thống năng suất đơn giản nhưng hiệu quả

Là một fan cuồng luôn ám ảnh với việc lên kế hoạch và tổ chức, mình đã phải cố gắng “nhịn” để không viết về lợi ích này trước.

“Phương pháp Bullet Journal thật ra là một bài thực hành chánh niệm, ẩn dưới lớp vỏ của một hệ thống quản lý năng suất.” (trích lời tác giả)

Vì mình đã nói về chánh niệm ở phần trên rồi, nên phần này chỉ muốn nêu ngắn gọn về cách Bullet Journal nói chung, và Daily Bullet Journal nói riêng đã hỗ trợ mình như một công cụ tăng năng suất và quản lý dự án.

Trước tiên, cần nói rõ: Bullet Journal không chỉ gồm các phương pháp ghi chép hàng ngày như Rapid Logging hay Daily Logging, mà còn có các phần ghi chú theo năm, theo tháng và theo tuần.

Ghi chép theo năm (hay còn gọi là Future Log) giúp mình lên kế hoạch sơ bộ cho cả 12 tháng trong năm.

Còn Monthly Log và Weekly Log giúp mình chia nhỏ kế hoạch lớn ấy thành từng phần theo tháng và tuần dễ quản lý hơn.

Và rồi, hành động thật sự diễn ra ở cấp độ hàng ngày.

Daily Log chính là nơi mình dịch chuyển (hay gọi là “migrate” theo ngôn ngữ Bullet Journal) các công việc và sự kiện từ Monthly Log hoặc Weekly Log xuống để thực hiện.

Với cách quản lý nhiệm vụ được chia nhỏ này, mình biết chính xác mỗi ngày mình cần làm gì để đưa bản thân tiến gần hơn đến những mục tiêu lớn — từng bước mỗi ngày.

Gợi ý thói quen Bullet Journal hàng ngày của mình:

Tổng hợp lại tất cả, đây là trình tự từng bước mình đề xuất để Bullet Journal mỗi ngày một cách hiệu quả:

  • TRƯỚC KHI NGÀY MỚI BẮT ĐẦU: Di chuyển các nhiệm vụ trong ngày từ Monthly Log (Nhật ký Tháng) và/hoặc Weekly Log (Nhật ký Tuần) sang Daily Log (Nhật ký Ngày) bằng kỹ thuật Rapid Logging. 
    • Mẹo nhỏ: Khi di chuyển nhiệm vụ, bạn có thể sắp xếp ưu tiên bằng cách ghi từng nhiệm vụ theo thứ tự quan trọng trong Daily Log.
  • XUYÊN SUỐT NGÀY: Bám sát danh sách công việc hàng ngày của bạn (nhóm ghi chú dấu bullet) và cập nhật Daily Log trong ngày bằng kỹ thuật Rapid Logging và Daily Logging. 
    • Nhớ là: Hãy áp dụng phương pháp Daily Logging để ghi lại những điều rút ra từ mỗi công việc hoặc sự kiện trong ngày – và tập tạm ngừng, chậm lại, để để tâm đến quá trình chuyển tiếp qua từng giai đoạn trong ngày nhé.
  • TRƯỚC KHI NGÀY KẾT THÚC: Đọc lại và suy ngẫm về những gì bạn đã ghi trong Daily Log. Mẹo nhỏ: Nếu hôm đó quá bận, mình thường dời việc sắp xếp và tổng hợp ghi chú sang cuối tuần.
    • Với nhiệm vụ (TASK): đánh dấu nếu đã hoàn thành, hoặc di chuyển sang ngày khác nếu chưa.
    • Với ghi chú (NOTE): chuyển vào một Collection (bộ sưu tập chủ đề riêng) nếu cần lưu trữ lâu dài, hoặc chuyển thành nhiệm vụ / sự kiện nếu thấy cần hành động.
    • Với những ghi chú đặc biệt (ký hiệu =): chuyển vào Collection nếu cần hoặc khai thác thêm dưới dạng nhật ký dài nếu cần.

Tóm tắt lại chút nhé:

Trong bài viết này, mình đã chia sẻ với bạn:

  • Hai phương pháp ghi nhật ký hàng ngày bằng Bullet Journal: Rapid Logging và Daily Logging
  • Ba lý do vì sao Bullet Journal hàng ngày đã giúp mình thay đổi tích cực:
    • TỰ DO để dọn dẹp tâm trí bất cứ lúc nào mình cần – từ đó đầu óc nhẹ nhàng và minh mẫn hơn.
    • KẾT NỐI với chính bản thân mình sâu sắc hơn – mình trở nên chánh niệm và cảm thấy tốt hơn về những việc đang làm.
    • Một hệ thống NĂNG SUẤT đơn giản hoá để quản lý công việc và tiến gần hơn tới những mục tiêu lớn.
  • Thói quen Bullet Journal hàng ngày với 3 bước cụ thể – được đúc kết từ chính trải nghiệm cá nhân của mình.

Sắp tới trên blog: Mình sẽ chia sẻ demo chi tiết từng bước cách mình thực hành Bullet Journal hàng ngày như thế nào để duy trì thói quen viết nhật ký mỗi ngày.

Đăng ký newsletter của mình để nhận thông báo khi bài viết được đăng nhé!

Cảm ơn bạn đã đọc tới tận đây 🥰 Chúc bạn luôn vui khi Bullet Journal!

Thân mến,
Suani 💖

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.